AI là một trong những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất năm 2023, nhưng từ cách đây 6 năm, Trung Quốc đã đề ra chiến lược lớn. Trong Kế hoạch 5 năm quốc gia lần thứ 13 vào năm 2016, nước này đưa ra "Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới", bắt đầu thực hiện và đẩy mạnh từ 2017. Trong đó, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt "trình độ dẫn đầu thế giới" vào năm 2025 và trở thành "trung tâm đổi mới AI lớn của thế giới" vào năm 2030, ưu tiên biến AI thành động lực chính cho việc nâng cấp công nghiệp và chuyển đổi kinh tế.
Để thực hiện mục tiêu, Trung Quốc thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, khuyến khích hợp tác giữa giới học thuật và ngành công nghiệp, đồng thời thu hút nhân tài và đầu tư nước ngoài. Chính phủ nước này cũng khuyến khích tích hợp AI trong một số lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải và tài chính. Nguồn dữ liệu dồi dào đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển AI. Các sáng kiến như Phòng thí nghiệm Kỹ thuật quốc gia về phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng dữ liệu trong nghiên cứu AI.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển từ phía chính phủ và doanh nghiệp, một động lực cho ngành AI Trung Quốc đến từ chính người dân. Trong khảo sát năm 2022 của Stanford, 78% người Trung Quốc được hỏi đồng ý với nhận định rằng sản phẩm và dịch vụ AI có nhiều lợi ích hơn là nhược điểm. Trong khi đó, chỉ 35% người Mỹ được lấy mẫu tỏ ra lạc quan với các ứng dụng AI.
Thành tựu lớn
Thống kê được công bố tại Hội nghị Internet thế giới 2020 cuối tháng 11/2020 ở tỉnh Chiết Giang cho thấy, trong năm 2019, Trung Quốc có hơn 30.000 bằng sáng chế về AI, tăng 52,4% so với năm trước đó và vượt Mỹ về số lượng đăng ký mới. Cột mốc này đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1978, Mỹ đánh mất vị thế dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế và các phát minh mới.
Trước khi thế giới tập trung vào AI như hiện tại, Trung Quốc đã tiên phong ứng dụng công nghệ vào đời sống thực. Năm 2017 - năm đề ra chính sách đẩy mạnh trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc lắp 20 triệu camera AI giám sát đường phố. Chúng được triển khai ở mọi lĩnh vực, từ việc giúp tăng cường an ninh, hỗ trợ phòng chống tội phạm cho đến tối ưu hóa luồng giao thông và giảm tắc nghẽn, tối ưu mua sắm, phát triển giáo dục.
Những sản phẩm tiêu biểu có thể kể đến DuerOS của Baidu tích hợp vào thiết bị điện tử như loa thông minh; WeChat AI của Tencent hỗ trợ trò chuyện tự động, gợi ý nội dung, và dịch vụ thanh toán di động; SenseTime, Yitu Technology phát triển giải pháp về công nghệ nhận diện thị giác trong hệ thống giám sát an ninh thông minh, nhận diện khuôn mặt và ứng dụng trong y tế; iFlyTek với các hệ thống nhận diện giọng nói bằng ngôn ngữ tự nhiên.
Công nghệ AI thế hệ mới cũng trở nên phổ biến trong xe tự lái. Nhiều thành phố tại Trung Quốc đang triển khai hoặc thử nghiệm robotaxi ở các giai đoạn khác nhau. Ví dụ, tại một số khu vực tại Bắc Kinh, Vũ Hán hay Trùng Khánh, người dân có thể gọi xe tự lái chỉ bằng vài thao tác trên smartphone. Baidu và Pony.ai đã được cấp phép vận hành robotaxi với mức giá cạnh tranh so với dịch vụ truyền thống.
Mô phỏng hình ảnh kỹ thuật số của một phụ nữ nhờ công nghệ AI. Ảnh: EPA-EFE
Mô phỏng hình ảnh kỹ thuật số của một phụ nữ nhờ công nghệ AI. Ảnh: EPA-EFE
Năm nay, trong cơn sốt AI tạo sinh, các công ty ở nước này như Baidu, Alibaba và ByteDance cũng liên tục tung ra các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) để cạnh tranh với các hệ thống từ phương Tây.
Vào tháng 3, Baidu ra mắt chatbot Ernie. Một tháng sau, đến lượt Alibaba công bố Tongyi Qianwen, được ví như "ChatGPT phiên bản Trung Quốc". SenseTime, do SoftBank hậu thuẫn, cũng giới thiệu mô hình ngôn ngữ lớn SenseNova và tích hợp vào chatbot có tên SenseChat.
Đầu tháng 11, Baichuan, công ty khởi nghiệp AI có trụ sở tại Bắc Kinh, tuyên bố mô hình AI tự phát triển Baichuan2-192k đã có thể xử lý khoảng 350.000 ký tự tiếng Trung và trở thành mô hình mạnh nhất thế giới trong việc xử lý câu lệnh văn bản dài.
Cũng trong tháng 11, 01.AI, công ty khởi nghiệp do nhà khoa học máy tính Lee Kai-Fu thành lập hồi tháng 3, trở thành kỳ lân công nghệ, tức được định giá hơn một tỷ USD sau khi công bố LLM có tên Yi-34B. Nền tảng sử dụng tiếng Anh và tiếng Trung, được giới thiệu là vượt trội so với các mẫu nguồn mở hàng đầu hiện có trên thị trường, bao gồm cả Llama 2 của Meta nhờ khả năng xử lý 100 tỷ tham số, lớn nhất so với các mô hình nguồn mở hiện nay và có thể cạnh tranh trực tiếp với GPT-4 của OpenAI, theo Straitstimes.
"Mô hình độc quyền của chúng tôi sẽ được đo điểm chuẩn với GPT-4", Kai-Fu cho biết.
Reuters dẫn lời CEO Baidu Robin Li rằng, tính đến đầu tháng 9, có hơn 70 mô hình ngôn ngữ lớn với hơn một tỷ thông số đã được phát hành tại Trung Quốc. Còn theo công ty môi giới CLSA, đến hết tháng 10, Trung Quốc đã có ít nhất 130 LLM, chiếm 40% tổng số toàn cầu và chỉ sau Mỹ với 50% thị phần. Ngoài ra, các công ty cũng công bố hàng chục LLM dành riêng cho từng lĩnh vực nhất định.
Bên cạnh mô hình AI, Trung Quốc cũng bắt đầu tự chủ phần cứng. Giữa tháng 11, Đại học Thanh Hoa tuyên bố đã tạo thành công chip AI mới có sức mạnh gấp 3,7 lần A100 của Nvidia trong các tác vụ thị giác máy tính. Được gọi là ACCEL, chip tận dụng khả năng tính toán quang tử và tuần tự trong một kiến trúc chuyên biệt, hoạt động dựa trên ánh sáng và sử dụng photon để xử lý truyền thông tin tốc độ cao.
Theo một nhân vật kỳ cựu trong lĩnh vực chip nói với SCMP, thành tựu của Đại học Thanh Hoa sẽ thúc đẩy Trung Quốc nghiên cứu chip điện toán quang học thay thế chip điện tử hiện tại, cũng như các chip AI mới trong tương lai. "Trong một số trường hợp, hiệu suất từ điện toán quang tử mạnh hơn nhiều so với điện toán điện tử", người này nói.
"Năm nay, ngành AI Trung Quốc chứng kiến những tiến bộ vượt bậc chưa từng có. Nhờ hỗ trợ chính sách, Trung Quốc bước vào thời kỳ phát triển nhanh chóng. Các mô hình AI lớn của Trung Quốc đang cạnh tranh sòng phẳng với những mô hình phương Tây", Global Times dẫn lời chuyên gia công nghệ độc lập Liu Dingding.
Nguồn: VnExpress